Xin chào các bạn,
Trong bài học này, chúng ta sẽ tiến một bước rất lớn trên con đường học tập để trở thành 1 guitarist… Đó là học về các Hợp Âm Chặn. Kỹ thuật cơ bản của hợp âm chặn đó là sử dụng 1 ngón (thường là ngón trỏ, đôi khi cũng có thể là ngón giữa, áp út, hoặc thậm chí là ngón út) để chặn từ 2 nốt trở lên.
Lý do nên học hợp âm chặn?
Đối với những người mới học chơi đàn guitar thì việc học những hợp âm mở kèm với việc sử dụng capo có vẻ đã đủ để chơi được kha khá bài hát. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ dừng lại ở đó nếu như không có những bài hát chứa những hợp âm thăng, giáng. Có những bài dù bạn đã sử dụng capo để chuyển chúng về bộ hợp âm mở cho dễ bấm(thường là bộ hợp âm ở tone C hoặc Am). Nhưng trong bài vẫn tồn tại những hợp âm thăng giáng. Và những hợp âm thăng/giáng này buộc chúng ta phải sử dụng hợp âm chặn.
Ví dụ: Như bài “Hương ngọc lan” dưới đây, dù đã dịch về bộ hợp âm ở tone Am, nó vẫn tồn tại các hợp âm thăng/giáng. Do bài này được viết trên một hòa thanh khá phức tạp. Tất cả hợp âm xuất hiện trong bài không nằm hoàn toàn trên một tone.
These known chords are used in this song.
2 lưu ý trước khi bắt đầu với hợp âm chặn
Trước khi đi vào chi tiết, tôi muốn chia sẻ với các bạn 2 mẹo. Từ đó các bạn có thể sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với những hợp âm chặn.
1. Không nên bắt đầu với hợp âm Fa chặn!
Đa phần mọi người đều bắt đầu học hợp âm chặn sau khi đã học được kha khá hợp âm mở. Khi mà họ bắt đầu gặp những hợp âm như F hay Bm trong bài hát. Vì vậy, đó thường là những hợp âm chặn đầu tiên mà họ muốn học.
Tuy nhiên, những hợp âm chặn gần đầu đàn(headstock) thường sẽ khó bấm hơn. F chặn là một trong những hợp âm chặn khó nhất. Vì nó cần dùng rất nhiều lực để ép dây xuống phím. Vì vậy, thay vì bắt đầu với hợp âm F chặn các bạn nên thử hợp âm Em chặn trên ngăn số 7 như hình dưới đây chẳng hạn:
Hợp âm này dễ chơi hơn vì bạn chỉ cần chặn 5 dây thay vì 6 dây như F chặn. Ngón chặn của bạn cũng chỉ cần quan tâm đến 2 dây là dây Là và dây Mí. Để chơi hợp âm này, đầu tiên các bạn bấm hợp âm Am không dùng ngón trỏ. Sau đó, giữ nguyên form tay trượt tất cả lên 7 ngăn và đặt ngón trỏ chặn ở ngăn số 7.
Tiếp theo, bạn muốn tập một hợp âm chặn 6 dây. Nhưng thay vì F chặn, các bạn nên học một hợp âm chặn ở thế tay cao hơn trên cần đàn. Hợp âm Si chặn ở ngăn số 7 chẳng hạn.
Tương tự như hợp âm Mi thứ chặn bên trên. Các bạn hãy bấm hợp âm Mi trưởng thế tay mở không dùng ngón trỏ. Sau đó giữ nguyên form tay, trượt lên trên 7 ngăn rồi đặt ngón trỏ chặn ở ngăn số 7.
2. Đảm bảo ‘action’ đàn guitar của bạn không quá cao
Nếu các bạn chưa biết Action trên đàn guitar là gì thì các bạn có thể xem lại ở bài viết này. Mình đã đề cập đến Action, nguyên nhân Action cao và cách chỉnh trong từng trường hợp ở bài viết đó.
8 mẹo chinh phục hợp âm chặn
Nhiều bạn nghĩ rằng bấm càng mạnh càng tốt. Nhưng thực ra vấn đề nằm ở kĩ thuật bấm, cách các bạn đặt tay nữa. Vấn đề về lực bấm chỉ là một vấn đề nhỏ. 8 mẹo dưới đây sẽ giúp các bạn giải quyết các vấn đề gặp phải khi học hợp âm chặn.
1. Hạ thấp ngón cái của bạn xuống và đặt nó ở nửa dưới của cần đàn
Hạ thấp ngón tay cái của bạn xuống ở khoảng nửa dưới của cần đàn, thậm chí có thể thấp hơn. Điều này phụ thuộc vào độ dài ngón tay của bạn. Nếu bạn để ngón tay quá cao, hoặc quấn nó quanh cần đàn, việc chơi hợp âm chặn sẽ rất khó. Khi bạn hạ thấp ngón tay cái xuống, cổ tay của bạn cũng sẽ thấp xuống. Đó cũng là mục tiêu của mẹo số 5 dưới đây.
2. Sử dụng cạnh của ngón trỏ
Sử dụng bề mặt chính của ngón trỏ có thể làm hỏng việc bấm hợp âm chặn vì hai lý do sau:
- Phần bề mặt chính diện của ngón trỏ khá nhiều thịt, khó tạo áp lực và âm thanh rõ ràng.
- Dây đàn có thể mắc vào đúng rãnh ở khớp ngón tay. Điều này có thể dẫn đến bị tịt dây.
Cạnh ngón tay trỏ chắc và cứng hơn nên bạn không cần phải dùng nhiều lực để bấm. Để dùng phần cạnh ngón trỏ chặn, bạn đặt ngón trỏ trên ngăn tương ứng hợp âm chặn. Sau đó, thay vì tạo lực bấm thẳng xuống, bạn tạo lực đẩy về phía đầu đàn. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ nhận thấy rằng khuỷu tay của bạn cũng thay đổi, điều này đưa chúng ta đến mẹo số 3 dưới đây.
3. Khép khuỷu tay của bạn vào một chút
Để lăn ngón trỏ và tạo lực đẩy về phía đầu đàn, bạn cần giữ cho khuỷu tay gần với cơ thể của bạn. Nếu bạn để khuỷu tay quá xa, cánh tay của bạn sẽ bị lơ lửng trên không và trông như cánh gà rất xấu. Để khuỷu tay gần với cơ thể bạn giúp việc xử lý các hợp âm chặn dễ dàng hơn, và cũng giúp các bạn cảm thấy thoải mái hơn.
4. Đặt ngón trỏ của bạn gần với phím đàn
Vị trí gần phím đàn nhất là nơi bạn cần dùng ít lực nhất để có được tiếng đàn sạch. Kết hợp với mẹo số 3, bạn đặt ngón trỏ sát vào phím đàn. Sau đó, bạn lăn ngón tay về phía đầu đàn một chút như hình minh họa dưới đây để dùng cạnh ngón tay chặn phím:
Điều đó sẽ giúp cho ngón trỏ của bạn ở đúng vị trí. Không phải chính giữa phím đàn mà là rất gần với nó. Một phần ngón trỏ có thể đè lên phím nhưng không tác dụng lực lên nó.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng ngón trỏ của bạn đặt song song với phím đàn chứ không phải chéo về một bên.
5. Giữ cho ngón trỏ của bạn thẳng
Đôi khi bạn cảm thấy rõ ràng là đã chặn được hết tất cả các dây nhưng vẫn có những dây bị tịt. Nếu bạn thấy dây bị tịt ra dây G và dây D thì rất có thể ngón tay của bạn đang đặt không thẳng hoàn toàn mà hơi cong. Điều này dẫn đến việc bạn chỉ thực sự chặn được các dây bên ngoài(như dây E thấp, B, E cao) còn mấy dây ở giữa bị tịt. Hãy giữ cho ngón tay của bạn hoàn toàn phẳng và thẳng để tránh điều này.
Nếu bạn bị tịt ở dây B hoặc dây E cao thì vấn đề sẽ hơi khác một chút. Bạn hãy giữ cho 2 đốt ngón tay nhỏ hơn thật thẳng. Hơi uốn cong khớp giữa hai đốt ngón tay to. Các bạn có thể xem thêm ở video dưới đây:
6. Di chuyển ngón trỏ lên hoặc xuống
Đôi khi một dây có thể rơi vào đúng chỗ khớp ngón tay của bạn dẫn đến bị tịt. Dịch chuyển ngón tay trỏ lên hoặc xuống một chút có thể khắc phục được vấn đề này. Nếu dây bên trên bị tịt, bạn hãy thử xem lại xem ngón tay của bạn đang nhô lên so với phím là bao nhiêu và điều chỉnh cho phù hợp.
7. Giữ cho cổ tay của bạn thấp và uốn cong ít nhất có thể
Nếu bạn ấn lòng bàn tay vào cần đàn sẽ rất khó để chơi hợp âm chặn. Thay vào đó, ngón tay cái của bạn nên đặt ở giữa hoặc nửa dưới của cần đàn (xem lại mẹo 1 ở trên), để lòng bàn tay trực diện bên dưới cần đàn. Nên có một khoảng trống giữa lòng bàn tay và cần đàn như thế này:
Như bạn có thể thấy, bạn phải giữ cần đàn như một chiếc bánh mỳ. Nói đúng hơn là nửa chiếc bánh mỳ vì có khoảng trống giữa lòng bàn tay và cần đàn.
Bạn cũng có thể thấy rằng cổ tay của bạn thấp hơn cần đàn. Trong hình trên, cánh tay của guitarist hướng lên cần đàn. Đây là cách các nghệ sĩ guitar cổ điển chơi: họ đặt cây đàn trong lòng giữa hai chân (thay vì trên chân phải) và cần đàn hướng lên trên. Một trong những lợi thế của cách chơi này là họ không phải uốn cong cổ tay nhiều để chơi các hợp âm chặn và thậm chí còn nhiều thử thách hơn.
Hầu hết mọi người(trong đó có mình) thích đặt thân đàn lên đùi hơn. Điều này sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi chơi hợp âm chặn. Do bạn cần uốn cong cổ tay chơi hợp âm chặn. Nhưng chúng ta không nên uốn cong cổ tay quá nhiều vì hai lý do sau:
- Uốn cong cổ tay quá lâu có thể khiến bạn bị đau cổ tay. Vì khi đó bạn đặt rất nhiều áp lực lên ống cổ tay: chỗ kết nối giữa các ngón tay và cơ ở cẳng tay để điều khiển các ngón tay.
- Vì bạn đang tạo áp lực lên ống cổ tay nên việc sử dụng cơ ở tay sẽ khó hơn. Hãy thử giữ thẳng cổ tay, uốn cổ tay và tay tạo thành nắm đấm. Bạn sẽ cảm thấy hơi khó chịu đúng không?
Vì vậy, để tránh vận động cổ tay quá mức bạn cần lưu ý mấy điều sau:
- Hạ thấp vai và khuỷu tay của bạn xuống. Điều này sẽ cho phép cánh tay của bạn hơi hướng lên trên(hình màu xanh lá cây), thay vì hoàn toàn nằm ngang(hình màu đỏ) hoặc thậm chí phải đưa tay xuống phía cần đàn.
- Không di chuyển cổ tay của bạn quá xa về phía trước. Nếu cổ tay của bạn nằm ngay bên dưới cần đàn(như trong hình màu đỏ), bạn đã kéo nó quá xa về phía trước.
- Không chỉ uốn cong cổ tay mà bàn tay của bạn cũng phải cong.
- Để cho mọi thứ diễn ra một cách dễ dàng, bạn có thể nghiêng cho cần đàn lên trên một chút.
Khi bạn bạn chơi ở tư thế đứng và đeo đàn thấp, bạn sẽ phải uốn cổ tay nhiều hơn rất nhiều nếu muốn chơi hợp âm chặn. Đây là lý do tại sao nhiều nghệ sĩ guitar thích cách chơi đưa nhiều hợp âm về cùng thế bấm như cách Jimi Hendrix từng làm. Các bạn có thể đọc thêm về phong cách chơi hợp âm bằng ngón cái của Hendrix ở dưới đây.
8. Dùng lực của vai
Nếu bạn thấy tay trái và ngón cái nhanh bị mỏi thì bạn có thể dùng một chút lực của cánh tay.
Khi giữ hợp âm chặn bạn có thể kéo các ngón tay phía trước về phía sau một chút. Cùng với việc ôm thân đàn giữa ngực và tay phải sẽ tạo đủ áp lực lên dây đàn. Bạn hãy thử một bài test nho nhỏ như sau: không dùng ngón cái để chơi một hợp âm xem liệu âm thanh phát ra có rõ nét hay không? Dưới đây là một ví dụ, nghệ sĩ guitar cổ điển Douglas Niedt làm điều đó:
Nếu bạn muốn nghe lời giải thích của Douglas về điều này luôn thì tua đến 1:00 nhé!!!
Bài tập hợp âm chặn
Mình hy vọng các mẹo bên trên sẽ giúp các bạn chơi hợp âm chặn dễ dàng hơn. Còn bây giờ đã đến lúc thực hành. Bạn cần đánh thức đúng phần cơ trên tay và rèn luyện trí nhớ cho cơ. Việc này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Bạn cần luyện tập thường xuyên để tay của bạn quen với việc chơi hợp âm chặn, giúp tay khỏe lên và chai lại. Hãy dành 5-10 phút mỗi ngày, tập khoảng 1 tuần bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
1. Dùng ngón trỏ đập vào dây đàn
Đây là một bài tập nhỏ nhưng rất hiệu quả. Vì một lý do ảo diệu nào đó bài tập này giúp hợp âm chặn nghe hay hơn. Video dưới đây sẽ giải thích chi tiết bài tập cho bạn. Còn nếu bạn không thích xem video thì có thể xem phần mô tả bên dưới nhé.
Chọn một hợp âm chặn bất kỳ, như Si trưởng ở ngăn 7 chẳng hạn. Sau đó chơi và nghe thử âm thanh của nó.
Bây giờ, trong khi giữ nguyên ngón giữa ngón áp út và ngón út, bạn dùng ngón trỏ vỗ vào dây mí 4 lần rồi chơi lại hợp âm. Rồi làm tương tự với các dây Mi bên trên, Si, và Son. Tiếp theo, lùi lại một ngăn và làm lại bài tập cho các dây như trên cho đến khi về tới ngăn 1 trên cần đàn.
2. Tạo hình cho ngón trỏ
Bài viết này chủ yếu tập trung vào ngón trỏ, nhưng các ngón khác cũng quan trọng. Cần dành thời gian luyện tập để đưa chúng vào đúng vị trí và lưu được hình dạng trong trí nhớ của cơ. Dưới đây là cách để cải thiện tốc độ luyện tập.
Hãy bấm hợp âm Mi trưởng mở mà không sử dụng ngón trỏ.
Sau đó đánh thử một lần và nghe xem đã đúng chưa. Nếu đúng rồi thì hãy bấm hết sức có thể trong 20 giây, miễn sao đừng làm tay bị thương. Sau 20 giây buông tay ra nghỉ một chút rồi lặp lại 1 đến 2 lần nữa.
Bằng việc này, bạn đang nói với các cơ trên tay rằng hình dạng hợp âm này rất quan trọng và chúng nên ghi nhớ nó. Việc này hiệu quả hơn so với việc bạn chơi đi chơi lại một hợp âm. Nếu bạn thích bạn có thể thử với một hợp âm thứ mở nữa.
3. Theo dõi sự tiến bộ trong việc tập luyện
Thật là tệ khi bạn thực hành một điều gì đó mãi mà không có kết quả. Dưới đây là một bài tập để giải quyết vấn đề đó.
Dùng ngón trỏ chặn 6 dây ở ngăn số 5, rồi kiểm tra từng dây một xem có bị tịt dây nào không? Nếu có 3 dây trong 6 dây không bị tịt thì đó là một khởi đầu tốt! Bây giờ hãy dịch lên một ngăn và kiểm tra lại kết quả. Lặp lại quá trình này cho đến ngăn thứ 10. Sau đó, bắt đầu lại ở ngăn số 5 lùi về dần cho đến ngăn 1.
Dần dần bạn sẽ nhận thấy điểm số của bạn tăng lên 4, 5 ròi 6 dây âm thanh đều sạch.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp cho các bạn vượt qua nỗi sợ mang tên “Hợp âm chặn”. Chúc các bạn tập luyện hiệu quả và thành công!
Hãy tham gia group Guitar Zone trên facebook tại đây để cùng thảo luận về guitar, cũng như nhận những bài viết, chia sẻ, tài liệu mới nhất từ mình các bạn nhé!
Nguồn: String Kick
Thoại Nguyễn
Software Development Engineer at Mobile App Freelancer | Leader at Airline Band | Former Musical Instrument Team Leader at Passion Club – CLB Nghệ Thuật trường Đại học Công Nghệ