[Học Guitar Cơ Bản] Cơ bản về nhịp và phách

Xin chào các bạn, hôm nay mình viết bài buổi chiều vì cuối tuần mà lại hơi mệt nên mình ngủ nướng buổi sáng 😀

Ở bài viết này mình xin được chia sẻ với các bạn một kiến thức cơ bản mà rất quan trọng. Nó được xem là xương sống của các loại nhạc cụ. Đó chính là: Nhịp và phách. Ok! Let’s Goooo!

Nhịp và phách trong bản nhạc
Nhịp và phách trong bản nhạc

Nhịp là gì?

Khi các bạn nghe một bản nhạc hay một bài hát, ta thường thấy bài hát đó vang lên với một khoảng thời gian đều đều nhau được xác định bằng một tiếng đệm mạnh(Bass/Trống/Dậm chân). Khoảng thời gian đều nhau giữa tiếng mạnh trước với tiếng mạnh sau gọi là nhịp mà nhạc lý còn gọi là tempo. Để phân biệt nhịp nọ với nhịp kia người ta dùng một vạch thẳng đứng trên khuông nhạc gọi là vạch nhịp(xem hình minh họa bên dưới).
Dấu vạch nhịp
Dấu vạch nhịp

– Khoảng cách giữa 2 vạch nhịp gọi là ô nhịp hoặc nhịp trường canh.

– Khi kết thúc 1 đoạn nhạc hay thay đổi khoá nhạc, thay đổi nhịp, người ta dùng 2 vạch nhịp, gọi là vạch kép.

– Chấm dứt bài nhạc người ta dùng vạch kết thúc bao gồm 1 vạch bình thường và 1 vạch đậm hơn ở phía ngoài.(xem hình minh họa)

Vạch kết thúc
Vạch kết thúc

Phách là gì?

Trong mỗi nhịp (ô nhịp hay nhịp trường canh) lại chia ra nhiều quãng thời gian đều nhau nhỏ hơn gọi là phách. 

Mỗi nhịp đều có phách mạnh, phách nhẹ. Phách mạnh bao giờ cũng nằm ở đầu ô nhịp. Nhờ có phách mạnh, phách nhẹ ta mới phân biệt được các loại nhịp khác nhau.

Số lượng phách trong mỗi ô nhịp tuỳ thuộc vào số chỉ nhịp.

Phách có thể chia ra làm nhiều phần nhỏ hơn một nốt nhạc hoặc có thể có nhiều phách trong một hình nốt nhạc.(xem hình minh họa)

Các phách trong ô nhịp
Các phách trong ô nhịp

Quy tắc xác định phách

  • Nhịp 2/4 trong mỗi ô nhịp có 2 phách, mỗi phách có độ dài bằng 1 hình nốt đen(mỗi ô nhịp có hai hình nốt đen). Một phách mạnh và một phách nhẹ. Phách 1 mạnh, phách 2 nhẹ.
Nhịp 2/4
Nhịp 2/4
  • Nhịp 3/4 trong mỗi ô nhịp có 3 phách, mỗi phách có độ dài thời gian bằng một hình nốt đen(mỗi nhịp có 3 hình nốt đen). Một phách mạnh và hai phách nhẹ. Phách 1 mạnh, phách 2 và 3 nhẹ.
Nhịp 3/4
Nhịp 3/4
  • Nhịp 4/4 trong mỗi ô nhịp có 4 phách, mỗi phách có độ dài thời gian bằng một hình nốt đen(mỗi nhịp có 4 hình nốt đen). Một phách mạnh và ba phách nhẹ. Phách 1 mạnh, phách 2, 3 và 4 nhẹ.
Nhịp 4/4
Nhịp 4/4
  • Nhịp 6/8 trong mỗi ô nhịp có 6 phách, mỗi phách bằng một nốt móc đơn(mỗi nhịp có 6 hình nốt móc đơn). Hai phách mạnh và bốn phách nhẹ. Phách 1 và 4 mạnh, phách 2, 3, 5 và 6 nhẹ.
Nhịp 6/8
Nhịp 6/8
  • Những nhịp có số bên dưới là 4 thì độ dài của phách sẽ là nốt đen. 
Nhịp 2/4
Nhịp 2/4
  • Những nhịp có số bên dưới là 8 thì độ dài của phách sẽ là nốt móc đơn.
Nhịp 6/8
Nhịp 6/8

Ứng dụng nhịp phách trong đệm hát

Rất nhiều bạn mới tập thường gặp phải vấn đề chơi được hợp âm, chuyển được rồi nhưng không hát vào được. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Vỗ tay theo nhịp
Vỗ tay theo nhịp

Theo kinh nghiệm chơi đàn và giảng dạy lâu năm của mình thì mình thấy nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ các bạn chưa chuyển đúng được nhịp phách và chưa hát được đúng nhịp. Mỗi bài hát nó nằm trên một nhịp, vì thế khi một ban nhạc cùng chơi bài hát đó thì tất cả các vị trí đều phải tuân thủ theo nhịp của bài hát. Thông thường Trống sẽ là vị trí giữ nhịp cho cả band. Vậy giả sử không có trống thì phải làm sao? Câu trả lời là cần 1 vị trí chắc nhịp nhất giữ nhịp cho band nhạc. Nhưng trường hợp này sẽ rất hiếm khi xảy ra vì đã là band thì thường sẽ có vị trí chơi trống. 

Vì vậy, để đánh đàn và hát được thì bạn phải làm được hai việc một lúc: vừa đóng vai guitarist vừa đóng vai vocal(ca sĩ). Bạn cần tập đánh đàn cho đúng nhịp của bài hát, tập hát cho đúng nhịp, sau đó ghép lại với nhau. Hãy bắt đầu một cách thật chậm và thật kiên trì. Giục tốc bất đạt! Một khi các bạn đã làm được điều này với một loại nhịp thì những nhịp khác sẽ trở thành đơn giản hơn rất nhiều.

Mình sẽ lấy một ví dụ cho các bạn ứng dụng dưới đây nhé:

Hợp âm bài Happy Birthday

Happy Birth[C]-day to You[G]

Happy Birth[G]-day to You[C]

Happy Birth[C]-day Happy Birth[F]-day

Happy Birth[G]-day to You[C]

Bài này nằm trên nhịp 3/4(phách 1 mạnh và 2 phách sau nhẹ). Nếu các bạn chưa biết bài hát bạn thích nằm trên nhịp nào thì hãy hỏi chị google hoặc comment lại dưới đây nhé. Cách gõ phách của bài này như sau:

Nhịp phách happy birthday

Đối với phách mạnh(phách 1) bạn vỗ tay hoặc dậm chân mạnh hơn để phân biệt với 2 phách nhẹ nhé. Vỗ thật đều, vì độ dài của các phách là như nhau. Khi bạn gõ được bằng tay và hát theo rồi, thì bạn hãy tập thêm trên đàn. Bài này các bạn có thể chơi trên điệu Valse nhịp 3/4. Cấu trúc của nó là: Bass 321 321(Có thể đọc là Bùm-chát- chát :))). Bùm(phách 1)-chát(phách 2)-chát(phách 3).

Khi đã gõ được tay vo và luyện được cả đàn rồi thì các bạn hãy thử ghép chúng lại. Bài này đàn sẽ vào sau vì chúng ta hát đến từ Birth thì đàn mới vào phách 1. Các bạn hãy thử và comment lại kết quả dưới bài cho mình biết nhé.

Một số điệu nhạc thông dụng

Điệu nhạc thông dụng

Khi đã nắm được cơ bản các loại nhịp thì các bạn cần thêm một yếu tố nữa đi kèm với chúng đó là các điệu nhạc. Khi các bạn ứng dụng được điệu nhạc tương ứng từng loại nhịp, các bạn sẽ chơi được hầu hết các bài hát từ cổ chí kim. Ở phạm vi bài viết này mình sẽ kể tên các điệu phổ thông đi kèm các nhịp thôi nhé. Còn việc đi sâu vào chi tiết cách đánh các bạn hãy theo dõi blog, mình sẽ làm dần ở những bài viết tiếp theo trong series. Các điệu tương ứng mỗi loại nhịp như sau:

Nhịp 2/4: Fox, Blue,…

Nhịp 3/4: Valse, Valse Boston,…

Nhịp 4/4: Slow Surf, Bolero, Bossanova, Ballad, Disco,…

Nhịp 6/8: Slow Rock,…

Metronome – Trợ thủ đắc lực của anh em chơi nhạc

Pro metronome
Pro metronome
Metronome
Máy đếm nhịp - Metronome

Metronome nó là một cái máy đếm nhịp tự động giúp các bạn giảm tải, tập trung vào việc đánh đàn. Nó sẽ thay cho vị trí đánh trống trong band nhạc của bạn(1 người). Các bạn có thể đặt mua nó ở Guitar Zone Store nha. Hoặc nếu chưa có điều kiện về kinh tế các bạn có thể sử dụng trên smart phone có tên là Pro Metronome. Link tải cho iOS ở đây và cho Android ở đây nha các bạn. Về cách dùng thì mình xin được đề cập ở bài viết sau nha.

Trên đây là toàn bộ những gì cơ bản nhất về nhịp phách và ứng dụng trong đệm hát mà các bạn cần nắm được. Các bạn hãy vận dụng và báo lại cho mình kết quả bằng cách comment phía dưới nha. Chúc các bạn thành công!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *